GIỚI THIỆU BÀI VIẾT TRÊN WORKING PAPER SERIES: GIỚI THIỆU MỘT SỐ BÀI NCKH VỀ CÁC HIỆP ĐỊNH XUẤT NHẬP KHẨU TRÊN FTU WORKING PAPER SERIES

0
787

Lĩnh vực xuất nhập khẩu là một trong các lĩnh vực nghiên cứu trọng điểm của thầy cô và sinh viên trường Đại học Ngoại thương. Trong bài viết lần này, Ban biên tập FWPS xin giới thiệu một số công trình nghiên cứu nổi bật của sinh viên về các hiệp định trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Kính mời các bạn đón đọc!

Các bạn sinh viên, nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu thêm về trang FTU Working Paper Series (FWPS) – Nơi đăng tải và công bố các kết quả nghiên cứu đã được chọn lọc và biên tập của sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh của Nhà trường tại: https://fwps.ftu.edu.vn.

BÀI SỐ 1: HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI HÀNG HÓA ASEAN: CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CHO VIỆC XUẤT NHẬP KHẨU NÔNG SẢN VIỆT NAM

(Năm 2022, Vol. 1, No. 1, Paper 4)

Nhận thức được tầm quan trọng của việc nghiên cứu về hiệp định ATIGA (Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN), nhóm sinh viên bao gồm Nguyễn Cao Kỳ, Lê Thanh Hà, Trần Phương Hòa, Nguyễn Tuấn Phong – sinh viên K59 Logistics & Quản lý chuỗi cung ứng – Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế và Trịnh Hiền Lương – sinh viên K59 CLC Kinh tế đối ngoại – Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, trường Đại học Ngoại thương, Hà Nội đã thực hiện và hoàn thành bài nghiên cứu với chủ đề “Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN: Cơ hội và thách thức cho việc xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam”.

Mục tiêu của bài nghiên cứu là chỉ ra những thành tựu và khó khăn mà hiệp định ATIGA đã đem tới Việt Nam trong khoảng thời gian 2009 – 2017. Qua việc tìm hiểu các dữ liệu thứ cấp, việc xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, tuy nhiên việc loại bỏ thuế nhập khẩu dẫn tới nhiều vấn đề cho xã hội, điển hình là cạnh tranh với mặt hàng nội địa. Để giải quyết vấn đề, chính phủ cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách trong nước phù hợp với những định hướng lớn của Đảng và nhà nước trong vấn đề phát triển thương mại, phù hợp với luật pháp quốc tế và những khung khổ hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả của việc tham gia vào ATIGA. Các doanh nghiệp nên chuẩn bị kỹ lưỡng, nâng cao trang thiết bị cũng như dây chuyền sản xuất để giảm giá bán và có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Link tóm tắt và bài viết đầy đủ tại https://fwps.ftu.edu.vn/2022/01/01/hiep-dinh-thuong-mai-hang-hoa-asean-co-hoi-va-thach-thuc-cho-viec-xuat-nhap-khau-nong-san-viet-nam/.

BÀI SỐ 2: HIỆP ĐỊNH VỀ NÔNG NGHIỆP CỦA WTO VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA NÓ LÊN CÁC HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU GẠO Ở VIỆT NAM

(Năm 2022, Vol. 1, No. 3, Paper 1)

Với bài nghiên cứu “Hiệp định về nông nghiệp của WTO và ảnh hưởng của nó lên các hoạt động xuất khẩu gạo ở Việt Nam”, nhóm sinh viên Nguyễn Thùy Trang, Chu Thục Trinh, Phạm Thảo Vi, Lê Khánh Uyên – sinh viên K59 Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng – Viện Kinh tế & Kinh doanh quốc tế, trường Đại học Ngoại thương, Hà Nội đã mang đến một cái nhìn tổng quan về hiệp định Agreement on Agriculture (AoA) lên việc xuất khẩu gạo tại nước ta.

Bài nghiên cứu này nhằm mục đích xem xét Hiệp định Nông nghiệp của WTO và cung cấp thông tin chi tiết về hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam đã thay đổi như thế nào sau khi áp dụng AoA. Bằng cách phân tích mỗi năm, bài nghiên cứu nhận thấy rằng sau AoA, nhiều nước nhập khẩu đã có những chính sách ưu đãi giúp tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam, chẳng hạn như giảm thuế cho gạo Việt Nam. Thông qua bài nghiên cứu này, chúng ta cũng có thể hiểu rộng hơn về những cơ hội và thách thức của hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sau khi ký kết hiệp định AoA. Từ đó, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số khuyến nghị đối với cả chính phủ và doanh nghiệp để họ có thể đẩy mạnh số lượng và giá trị gạo xuất khẩu.

Link tóm tắt và bài viết đầy đủ tại https://fwps.ftu.edu.vn/2022/04/01/hiep-dinh-ve-nong-nghiep-cua-wto-va-anh-huong-cua-no-len-cac-hoat-dong-xuat-khau-gao-o-viet-nam/

BÀI SỐ 3: CAM KẾT VỀ THUẾ ĐỐI VỚI THƯƠNG MẠI HÀNG NÔNG SẢN TRONG UKVFTA VÀ KHUYẾN NGHỊ CHO ĐƠN VỊ XUẤT KHẨU NÔNG SẢN VIỆT NAM 

(Năm 2022, Vol. 1, No. 6, Paper 6)

Trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại Việt Nam – Anh (UKVFTA), nhóm nghiên cứu Nguyễn Thu An, Nguyễn Thị Hải Băng, Đỗ Thị Thanh Hảo, Nguyễn Cao Nhật Minh, Trần Thị Phương Thảo, Phạm Thị Thùy – sinh viên K59 Tài chính quốc tế – Khoa Tài chính ngân hàng, trường Đại học Ngoại thương, Hà Nội đã thực hiện thành công đề tài “Cam kết về thuế đối với thương mại hàng nông sản trong UKVFTA và khuyến nghị cho đơn vị xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Vương quốc Anh là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam. Hiệp định đã tạo lợi thế cạnh tranh đáng kể cho hàng xuất khẩu Việt Nam sang thị trường UK thông qua các cam kết cắt giảm thuế cho rất nhiều mặt hàng. Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt được đầy đủ và kịp thời thông tin về chính sách quản lý nhập khẩu của Anh nên đã bỏ lỡ cơ hội để xuất khẩu sang thị trường này. Đề tài được nghiên cứu với các lý do chính như sau: thứ nhất, nghiên cứu nội dung chính về các cam kết thuế nhập khẩu của UK trong UKVFTA, đặc biệt đối với các mặt hàng nông sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam; thứ hai, phân tích những ảnh hưởng tiềm tàng của những cam kết này đến xuất khẩu nông sản Việt Nam sang UK; thứ ba, nêu ra cơ hội, thách thức; đề xuất các khuyến nghị để các đơn vị xuất khẩu nông sản trong nước tận dụng lợi thế do UKVFTA mang lại.

Link tóm tắt và bài viết đầy đủ tại https://fwps.ftu.edu.vn/2022/06/10/cam-ket-ve-thue-doi-voi-thuong-mai-hang-nong-san-trong-ukvfta-va-khuyen-nghi-cho-don-vi-xuat-khau-nong-san-viet-nam/

BÀI SỐ 4: HIỆP ĐỊNH EVFTA – CƠ HỘI, THÁCH THỨC VÀ GIẢI PHÁP CHO NGÀNH XUẤT KHẨU THỦY SẢN VIỆT NAM 

(Năm 2022, Vol. 1, No. 6, Paper 1)

Cuối cùng, nhóm biên soạn xin giới thiệu bài nghiên cứu về chủ đề “Hiệp định EVFTA – Cơ hội, thách thức và giải pháp cho ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam” của các sinh viên Nguyễn Văn Long – sinh viên K59 Quản trị kinh doanh quốc tế – Khoa Quản trị Kinh doanh; Tạ Thị Ngọc Anh, Trần Thị Phương Thảo – sinh viên K59 Luật thương mại quốc tế – Khoa Luật và Nguyễn Thị Thu Hường, Nguyễn Mạnh Hùng, Vũ Văn Tiến – sinh viên K59 Thương mại quốc tế, Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, trường Đại học Ngoại thương, Hà Nội.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là một FTA thế hệ mới có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Nhờ những cam kết với mức độ tự do hóa sâu rộng và linh hoạt, đặc biệt đối tác đều là những nền kinh tế lớn có trình độ phát triển hàng đầu thế giới, chỉ tính riêng trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, EU là một trong 05 thị trường lớn nhất của Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là thị trường xuất khẩu thủy sản đứng thứ hai trong khu vực châu Á, chỉ xếp sau Trung Quốc. Lựa chọn vấn đề nghiên cứu này, bài viết sẽ (i) Nhận diện tổng quan về EVFTA và tác động của nó tới nền kinh tế Việt Nam nói chung (ii) Nắm bắt kịp thời những cơ hội và thách thức đối với ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam khi ký kết EVFTA (iii) Chủ động kiến nghị giải pháp nhằm giúp ngành xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tận dụng được cơ hội phát triển và vượt qua thách thức.

Link tóm tắt và bài viết đầy đủ tại https://fwps.ftu.edu.vn/2022/06/10/hiep-dinh-evfta-co-hoi-thach-thuc-va-giai-phap-cho-nganh-xuat-khau-thuy-san-viet-nam/

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments