GIỚI THIỆU BÀI VIẾT TRÊN WORKING PAPER SERIES: GIỚI THIỆU MỘT SỐ BÀI NCKH VỀ CHỦ ĐỀ LOGISTICS TRÊN FTU WORKING PAPER SERIES

0
604

Logistics luôn là lĩnh vực được quan tâm hàng đầu tại Việt Nam. Nhận thấy được tầm quan trọng của việc tìm hiểu lĩnh vực này, sinh viên trường Đại học Ngoại thương đã tích cực thực hiện nghiên cứu những đề tài về những khía cạnh khác nhau của logistics.

Dưới đây là một vài bài nghiên cứu nổi bật về chủ đề Logistics mà nhóm biên soạn đã lựa chọn để giới thiệu trong số lần này. Kính mời các bạn đón đọc!

Các bạn sinh viên, nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu thêm về trang FTU Working Paper Series (FWPS) – Nơi đăng tải và công bố các kết quả nghiên cứu đã được chọn lọc và biên tập của sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh của Nhà trường tại: https://fwps.ftu.edu.vn.

BÀI SỐ 1: PHÂN TÍCH CHỈ SỐ NĂNG LỰC LOGISTICS CỦA CÁC VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM VIỆT NAM

(Năm 2022, Vol. 2, No. 1, Paper 4)

Công bố vào ngày 18/06/2022, bài viết “Phân tích chỉ số năng lực logistics của các vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam” của nhóm sinh viên Nguyễn Bích Ngọc, Lê Xuân Vinh, Dương Mạnh Toàn – sinh viên K59 CLC Kinh tế đối ngoại – Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Lê Hạnh Linh – sinh viên K59 CTTT Kinh tế đối ngoại – Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, trường Đại học Ngoại thương, Hà Nội đã được rất nhiều độc giả tích cực theo dõi.

Bài nghiên cứu dựa trên cơ sở lý thuyết về chỉ số tổng hợp, chỉ số đánh giá năng lực logistics của World Bank (WB) LPI và chỉ số đánh giá năng lực logistics cho các bang của Ấn Độ LEADS cùng với kinh nghiệm rút ra từ các nghiên cứu thuộc chủ đề liên quan để đề xuất phương pháp đánh giá chỉ số năng lực logistics cho các vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Việt Nam. Trên cơ sở lý thuyết đó, nhóm nghiên cứu thực hiện các pilot survey nhằm hoàn thiện bộ chỉ số đánh giá năng lực logistics để phù hợp hơn với điều kiện hiện hành và sự phát triển logistics của các vùng KTTĐ của Việt Nam. Từ kết quả thu được về đánh giá chỉ số năng lực logistics vùng, bài viết cũng đưa ra một số kiến nghị nhằm phát triển năng lực logistics của bốn vùng KTTĐ của Việt Nam.

Link tóm tắt và bài viết đầy đủ tại https://fwps.ftu.edu.vn/2022/06/18/phan-tich-chi-so-nang-luc-logistics-cua-cac-vung-kinh-te-trong-diem-viet-nam/

BÀI SỐ 2: CÁC NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN QUÁ TRÌNH E-LOGISTICS CỦA DOANH NGHIỆP BÁN LẺ TẠI HÀ NỘI DƯỚI TÁC ĐỘNG CỦA ĐẠI DỊCH COVID-19

(Năm 2021, Vol. 1, No. 6, Paper 10)

Nằm trong số những bài viết được đánh giá cao, bài nghiên cứu của nhóm sinh viên Nguyễn Thanh Tú – sinh viên K57 Kinh tế đối ngoại, Nguyễn Hoàng Thanh Yến, Trần Đình Nam, Nguyễn Thị Ngọc Ánh – sinh viên K57 Thương mại quốc tế – Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế và Nguyễn Thị Huyền – sinh viên K57 Quản trị Kinh doanh quốc tế – Khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Ngoại thương, Hà Nội với chủ đề “Các nhân tố tác động đến quá trình E-logistics của doanh nghiệp bán lẻ tại Hà Nội dưới tác động của đại dịch Covid-19” cũng đã được nhiều độc giả theo dõi.

Nhận thấy sự cần thiết của việc đầu tư vào hoạt động e-logistics của các doanh nghiệp để bắt kịp xu hướng và tăng khả năng cạnh tranh, nghiên cứu được thực hiện nhằm đưa ra cái nhìn tổng quan về những nhân tố ảnh hưởng đến quá trình e-logistics của doanh nghiệp bán lẻ, đánh giá mức độ ứng dụng vào Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Kết quả nghiên cứu chỉ ra có 5 yếu tố tác động đến quá trình e-logistics của doanh nghiệp bán lẻ tại Hà Nội, từ đó để xuất những giải pháp cải thiện hiệu quả quá trình e-logistics của doanh nghiệp.

Link tóm tắt và bài viết đầy đủ tại https://fwps.ftu.edu.vn/2021/08/18/cac-nhan-to-tac-dong-den-qua-trinh-e-logistics-cua-doanh-nghiep-ban-le-tai-ha-noi-duoi-tac-dong-cua-dai-dich-covid-19/.

BÀI SỐ 3: HOẠT ĐỘNG CHUYỂN ĐỔI SỐ TẠI CÁC DOANH NGHIỆP KINH DOANH DỊCH VỤ LOGISTICS VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19

(Năm 2021, Vol. 1, No. 6, Paper 9)

Với chủ đề nghiên cứu “nóng hổi”, nhóm sinh viên Nguyễn Thị Thu Trang, Trần Hương Quỳnh, Trần Hoàng Ngân, Chu Hoàng Đức Hạnh – sinh viên K57 Kinh tế đối ngoại – Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế và Nguyễn Ngọc Thục Quyên – sinh viên K57 Kinh doanh quốc tế – Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, trường Đại học Ngoại thương, Hà Nội với nghiên cứu “Hoạt động chuyển đổi số tại các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19” đã được ban biên tập lựa chọn để đăng tải trong số giới thiệu lần này.

Nghiên cứu được thực hiện nhằm mục đích nâng cao sự hiểu biết của các doanh nghiệp logistics (LSP) Việt Nam về tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với hoạt động quản trị nội bộ cũng như hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao năng lực thích ứng của các doanh nghiệp này. Việc nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, cải thiện và nâng cao nguồn nhân lực; chuẩn hóa và đồng bộ hóa hoạt động của doanh nghiệp, xây dựng chiến lược và lộ trình chuyển đổi số là những giải pháp có ý nghĩa cấp bách cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Link tóm tắt và bài viết đầy đủ tại https://fwps.ftu.edu.vn/2021/08/18/hoat-dong-chuyen-doi-so-tai-cac-doanh-nghiep-kinh-doanh-dich-vu-logistics-viet-nam-trong-boi-canh-dai-dich-covid-19/.

BÀI SỐ 4: CÁC VẤN ĐỀ PHÁP LÝ KHI SỬ DỤNG HỢP ĐỒNG THÔNG MINH TRONG GIAO KẾT VÀ THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ LOGISTICS TẠI VIỆT NAM

(Năm 2021, Vol. 1, No. 5, Paper 10)

Bài viết cuối cùng được giới thiệu trong số lần này thuộc về hai sinh viên Trần Thanh Tâm – sinh viên K58 Kinh tế đối ngoại – Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, trường Đại học Ngoại thương, Hà Nội và Đặng Thị Diễm Quỳnh – sinh viên K46 Luật Quốc tế, học viện Ngoại giao, Hà Nội với chủ đề “Các vấn đề pháp lý khi sử dụng hợp đồng thông minh trong giao kết và thực hiện hợp đồng dịch vụ Logistics tại Việt Nam”.

Hiện nay, tranh chấp liên quan đến giao dịch điện tử, hợp đồng thông minh rất dễ xảy ra do vẫn còn thiếu, chưa đầy đủ, chưa rõ ràng các quy định về giao kết cũng như thực hiện hợp đồng trong các nguồn Luật hiện hành ở Việt Nam. Chính điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại với phương thức giao kết mới trên do phải mất nhiều thời gian, tiền bạc để giải quyết khi có phát sinh tranh chấp. Chính vì vậy, bài nghiên cứu tập trung phân tích các vấn đề pháp lý và những tranh chấp liên quan đến ứng dụng hợp đồng thông minh vào giao kết và thực hiện hợp đồng dịch vụ Logistics. Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng kiến nghị và đề xuất các giải pháp giúp hoàn thiện khung pháp lý về việc thực hiện có hiệu quả hợp đồng dịch vụ Logistics nhằm khuyến khích và thực hiện chuyển đổi số thành công trong các doanh nghiệp.

Link tóm tắt và bài viết đầy đủ tại https://fwps.ftu.edu.vn/2022/05/24/cac-van-de-phap-ly-khi-su-dung-hop-dong-thong-minh-trong-giao-ket-va-thuc-hien-hop-dong-dich-vu-logistics-tai-viet-nam/.

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments