Bên cạnh lĩnh vực xuất nhập khẩu, sinh viên trường Đại học Ngoại thương cũng dành nhiều sự quan tâm cho lĩnh vực Tài chính. Với sự trợ giúp của giáo viên hướng dẫn, các nhóm sinh viên FTU đã tiến hành nghiên cứu lĩnh vực tài chính ở nhiều góc độ mới mẻ khác nhau. Dưới đây là một vài bài nghiên cứu nổi bật về chủ đề Tài chính mà nhóm biên soạn đã lựa chọn để giới thiệu trong số lần này. Kính mời các bạn đón đọc!
Các bạn sinh viên, nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu thêm về trang FTU Working Paper Series (FWPS) – Nơi đăng tải và công bố các kết quả nghiên cứu đã được chọn lọc và biên tập của sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh của Nhà trường tại: https://fwps.ftu.edu.vn.
BÀI SỐ 1: TÁC ĐỘNG CỦA HIỂU BIẾT TÀI CHÍNH VÀ THÁI ĐỘ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI HÀNH VI TÀI CHÍNH CÁ NHÂN: TRƯỜNG HỢP CỦA SINH VIÊN ĐẠI HỌC TỪ CÁC CHUYÊN NGÀNH KHÁC NHAU TẠI HÀ NỘI
(Năm 2022, Vol. 2, No. 2, Paper 13)
Nhận biết tầm quan trọng của việc hiểu biết tài chính cá nhân, nhóm sinh viên Nguyễn Linh Chi, Nguyễn Tường Mai, Nguyễn Thi Hà Phương, Nguyễn Hồng Nhung và Nguyễn Hoàng Phương Anh – sinh viên K58 CTTT Tài chính ngân hàng – Khoa Tài chính ngân hàng, trường Đại học Ngoại thương, Hà Nội đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Tác động của hiểu biết tài chính và thái độ tài chính đối với hành vi tài chính cá nhân: trường hợp của sinh viên đại học từ các chuyên ngành khác nhau tại Hà Nội”.
Với phương pháp kết hợp phân tích định tính và định lượng, nhóm sinh viên đã xác định mục tiêu của nghiên cứu là xác định mối liên quan giữa hiểu biết và thái độ tài chính của sinh viên và hành vi tài chính cá nhân của họ, cũng như sự khác biệt về hiểu biết tài chính, thái độ và hành vi giữa các chuyên ngành đại học khác nhau. Những số liệu và kết luận rút ra về hiểu biết tài chính và thái độ tài chính đối với hành vi tài chính cá nhân của sinh viên tại Hà Nội có thể gợi ý cho các cơ sở giáo dục, gia đình, và đặc biệt là sinh viên đại học tại Hà Nội về cách quản lý tài chính hiệu quả.
Link tóm tắt và bài viết đầy đủ tại https://fwps.ftu.edu.vn/2022/09/19/tac-dong-cua-hieu-biet-tai-chinh-va-thai-do-tai-chinh-doi-voi-hanh-vi-tai-chinh-ca-nhan-truong-hop-cua-sinh-vien-dai-hoc-tu-cac-chuyen-nganh-khac-nhau-tai-ha-noi/.
BÀI SỐ 2: TÁC ĐỘNG CỦA CÁC NHÂN TỐ BÊN TRONG DOANH NGHIỆP ĐẾN HIỆU QUẢ TÀI CHÍNH CỦA CÁC DN TRONG NGÀNH XÂY DỰNG CƠ BẢN ĐÃ NIÊM YẾT TRÊN SÀN CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM
(Năm 2022, Vol. 1, No. 4, Paper 3)
Nghiên cứu về đề tài “Tác động của các nhân tố bên trong doanh nghiệp đến hiệu quả tài chính của các doanh nghiệp trong ngành xây dựng cơ bản đã niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam”, Phan Trà My, sinh viên K56 – Quản trị kinh doanh quốc tế – Khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Ngoại thương, Hà Nội đã thu hút tương đối nhiều lượt xem trên trang FWPS.
Bài viết nghiên cứu các nhân tố bên trong doanh nghiệp (DN) ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính của 64 DN ngành xây dựng cơ bản niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Các nhân tố được tác giả phân tích và tổng hợp từ các nghiên cứu trong và ngoài nước đã được thực hiện trước đó. Căn cứ vào các kết quả thu được, sinh viên đã đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả tài chính của các DN trong ngành xây dựng cơ bản niêm yết ở Việt Nam.
Link tóm tắt và bài viết đầy đủ tại https://fwps.ftu.edu.vn/2022/04/30/tac-dong-cua-cac-nhan-to-ben-trong-doanh-nghiep-den-hieu-qua-tai-chinh-cua-cac-dn-trong-nganh-xay-dung-co-ban-da-niem-yet-tren-san-chung-khoan-viet-nam/.
BÀI SỐ 3: PHÁT HIỆN SỰ BẤT THƯỜNG TRONG BÁO CÁO TÀI CHÍNH: NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP VIỆT NAM
(Năm 2021, Vol. 2, No. 3, Paper 9)
Nhận thấy mức độ phổ biến của sự bất thường trong báo cáo tài chính ở Việt Nam, Vương Ngọc Quỳnh – sinh viên K56 CLC Kế toán Kiểm toán định hướng nghề nghiệp ACCA – Khoa Kế toán Kiểm toán, trường Đại học Ngoại thương, Hà Nội đã đưa ra một góc nhìn mới mẻ qua đề tài: “Phát hiện sự bất thường trong báo cáo tài chính: nghiên cứu trường hợp Việt Nam”.
Nghiên cứu này tìm hiểu khả năng áp dụng các phương pháp phát hiện bất thường tiên tiến vào báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam. Qua số liệu phân tích được, tác giả nhận ra rằng việc ứng dụng công nghệ chắc chắn là rất quan trọng cho cuộc chiến chống lại sự thiếu minh bạch trên thị trường tài chính. Tuy nhiên, công nghệ chỉ có thể phát huy hiệu quả nếu việc đào tạo và giáo dục được chú trọng. Trên tất cả, hành động của chính phủ có thể là phương tiện hiệu quả nhất để cản trở hoặc thúc đẩy sự minh bạch tài chính của một quốc gia.
Link tóm tắt và bài viết đầy đủ tại https://fwps.ftu.edu.vn/2021/09/28/phat-hien-su-bat-thuong-trong-bao-cao-tai-chinh-nghien-cuu-truong-hop-viet-nam/.