Home Blog

GIỚI THIỆU BÀI VIẾT TRÊN WORKING PAPER SERIES: NGHIÊN CỨU CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ ỔN ĐỊNH TÀI CHÍNH CỦA CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI TẠI VIỆT NAM

0

Hệ thống ngân hàng từ lâu đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của nước ta. Tổ chức tài chính này là một trong những trụ cột chính trong chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam vì thế luôn nhận được sự quan tâm hàng đầu của các cơ quan chính phủ. Một khi các ngân hàng thương mại hoạt động trơn tru và hiệu quả nhất thì các lĩnh vực khác được hưởng lợi rất nhiều từ sự ổn định đó.

Tuy nhiên, bối cảnh nền kinh tế thế giới đang trải qua nhiều biến động do đại dịch Covid -19, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung trong khi những hệ quả của biến đổi khí hậu càng ngày càng trầm trọng. Tất cả đặt ngân hàng thương mại của Việt Nam vào thế bị động và dễ bị tổn thương. Để giữ vững thế chủ động của nền kinh tế nước nhà thì sự ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại Việt Nam trước những biến động đó là một trong những nhân tố cốt lõi.

Lắng nghe những trăn trở về ổn định tài chính trong hệ thống ngân hàng, bài viết “Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam” do bạn Nguyễn Thị Hương – K56 Tài chính quốc tế – Khoa Tài chính Ngân hàng FTU sẽ mang tới một góc nhìn thực tế về đề tài này cũng như khuyến nghị một số giải pháp để giải quyết vấn đề ổn định tài chính của hệ thống ngân hàng trước tình hình trong và ngoài nước hiện nay.

Tóm tắt 

Mục tiêu của nghiên cứu là xác định các nhân tố có ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại Việt Nam thông qua chỉ số z-score trong giai đoạn 2011-2020. Kết quả nghiên cứu từ mô hình hồi quy dữ liệu bảng cho thấy tổng tài sản, tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản có tác động cùng chiều đến z-score trong khi tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng tài sản có tác động theo chiều ngược lại. Ngoài ra, nghiên cứu chưa thể kết luận ảnh hưởng của tốc độ tăng trưởng tín dụng và tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế đến z-score. Dựa trên những kết quả nghiên cứu đạt được, tác giả đã đưa ra một số giải pháp cho các ngân hàng thương mại và khuyến nghị đối với Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ để nâng cao sự ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam.

Từ khóa: z-score, ổn định tài chính, ngân hàng thương mại

Link bài viết đầy đủ: Link

GIỚI THIỆU BÀI VIẾT TRÊN WORKING PAPER SERIES: ẢNH HƯỞNG CỦA TIKTOK ĐẾN VIỆC HỌC CỦA SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI THƯƠNG CƠ SỞ II – TPHCM

0

TikTok là một trong những nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất ở Việt Nam, đặc biệt với thế hệ trẻ hiện nay. Trong thị trường có mức độ cạnh tranh và đào thải cao, TikTok chọn hướng đi lắng nghe và thấu hiểu thói quen và sở thích của khách hàng mình nhiều hơn là các đối thủ cạnh tranh của họ – điều này đã mang lại cho TikTok sức hút khó cưỡng trước người dùng trên khắp thế giới.

Tại Việt Nam, lướt TikTok dần trở thành thói quen trong cuộc sống thường nhật của rất nhiều bạn sinh viên trong nước, đặt dấu chấm hỏi trong lòng người sử dụng về ảnh hưởng của TikTok lên việc học của sinh viên chúng ta.

Không thể phủ nhận, TikTok có những “mặt trái” nhất định lên việc học của sinh viên. Tuy nhiên, bên cạnh đó, TikTok cũng mở ra những cơ hội mới cho giáo dục trực tuyến đang lên ngôi sau đại dịch Covid-19. TikTok đã chứng minh vị trí của mình trên sân chơi này qua chiến dịch #EduTok tại Ấn Độ hay tối ưu hóa các hashtag như #LearnOnTikTok trên toàn cầu nhưng tại Việt Nam thì sao? Tiềm năng của ứng dụng TikTok đã tiến xa tới đâu ở nước ta?

Bài viết “Ảnh hưởng của TikTok đến việc học của sinh viên trường Đại học Ngoại thương Cơ sở II – TPHCM”, do nhóm sinh viên gồm Nguyễn Lê Quỳnh Như, Hoàng Lê Quốc Tuấn – K60CLC1, Quản trị kinh doanh quốc tế; Huỳnh Lâm Phương Anh, Hồ Nguyễn Minh Thư, Vương Thảo Nhi – K60CLC2 Quản trị kinh doanh quốc tế – Cơ sở II Trường Đại học Ngoại thương tại TP. Hồ Chí Minh thực hiện sẽ tiếp cận chủ đề này từ một góc nhìn mới với những đề xuất hướng đi đầy sáng tạo.

Bên dưới là tóm tắt bài viết và link tham khảo cho Quý bạn đọc hứng thú tìm hiểu!

Tóm tắt 

Sự phát triển của công nghệ 4.0, cùng với bối cảnh xã hội dưới sự tác động của đại dịch Covid- 19 đã và đang khiến công nghệ trở thành một phần thiết yếu trong đời sống của con người. Việc phải tiếp xúc thường xuyên với các nền tảng mạng xã hội từ đó cũng dần được bình thường hóa và trở nên phổ biến. Bỏ qua những hệ lụy tiêu cực, không thể phủ nhận rằng xu hướng này cũng đang mang lại những tác động tích cực đối với xã hội, trong đó có khía cạnh giáo dục. Tik Tok – một nền tảng mạng xã hội nổi tiếng – trước kia luôn bị coi là tạp nham, chứa đầy những nội dung nhảm nhí và không phù hợp với thị yếu của người xem, thì TikTok hiện nay, đã có chỗ đứng cho riêng mình, đặc biệt là ở khía cạnh giáo dục, khi các nghiên cứu và ứng dụng thực tế được tiến hành đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Những năm gần đây, TikTok đã được chứng minh là có khả năng ảnh hưởng tích cực lên việc học của sinh viên, thông qua những thử nghiệm thực tế trên toàn thế giới. Còn sinh viên trường Đại học Ngoại Thương Cơ sở II – TP.HCM thì được biết đến là những thế hệ năng động, tài giỏi và rất nhanh chóng trong việc bắt kịp xu thế. Với những tư chất trên, việc áp dụng TikTok để góp phần tăng hiệu quả cho những sinh viên này là hoàn toàn khả thi. Trên cơ sở đó, bài nghiên cứu này sẽ đào sâu hơn vào ảnh hưởng của nền tảng mạng xã hội TikTok lên việc học tập của sinh viên Trường Đại học Ngoại thương Cơ sở II – TP. HCM, từ đó, gợi ý những giải pháp để có thể tận dụng tối đa TikTok cho việc học và hạn chế những tác động tiêu cực. 

Từ khóa: Tik Tok, mạng xã hội, giáo dục, thế hệ Z, trường ĐH Ngoại thương Cơ sở II

Link đầy đủ bài viết: Link

GIỚI THIỆU BÀI VIẾT TRÊN WORKING PAPER SERIES: ẢNH HƯỞNG CỦA HIỆP ĐỊNH ASEAN – HONGKONG (AHKFTA) LÊN NGÀNH THUỶ HẢI SẢN CỦA VIỆT NAM

0

Tháng 4/2022, Trường Đại học Ngoại thương đã công bố Quyển 1 Tập 3 năm 2022 các bài viết Working Paper Series. Trong Tập được công bố lần này có 10 bài viết đến từ các bạn sinh viên của nhiều chuyên ngành đào tạo trong trường, với nội dung các bài viết đa dạng, phong phú, đề cập đến nhiều chủ đề có tính thời sự của nền kinh tế, của đất nước.

Ban Biên tập xin được giới thiệu tới tới Quý bạn đọc bài viết “Ảnh hưởng của Hiệp định ASEAN – Hong Kong (AHKFTA) lên ngành thủy hải sản của Việt Nam”, do nhóm sinh viên gồm Phan Hoài Thu, Lê Thị An Chinh, Đỗ Thị Khánh Linh – K59 Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng – Viện Kinh tế & Kinh doanh quốc tế, Hà Minh Hằng – K59 CLC Kinh tế đối ngoại – Viện Kinh tế & Kinh doanh quốc tế thực hiện.

Trong bối cảnh thế giới đầy biến động bởi đại dịch Covid và cuộc chiến thương mại Mỹ Trung, các hiệp định thương tự do đóng vai trò quyết định để Việt Nam chủ động nâng cao khả năng cạnh tranh của mình trên thương trường thế giới. Một trong những thành tựu của chúng ta là Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Hồng Kông (AHKFTA) giữa Hồng Kông và 10 nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Hiệp định thương mại tự do với Hồng Kông đánh dấu bước ngoặt lớn cho ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt đối với xuất khẩu thủy sản nước nhà khi quốc gia này là một trong những thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta. Dấu hiệu khả quan đầu tiên là các tăng trưởng về sản lượng và giá trị xuất khẩu thủy hải sản cũng như các cơ hội tiếp cận các thị trường tiềm năng khác.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà Hiệp định mang lại, chúng ta cũng đối mặt với những khó khăn và thách thức mới, đặc biệt là Luật an toàn thực phẩm càng ngày càng được chú trọng và thắt chặt. Các doanh nghiệp nước mình sẽ phải làm gì để vượt qua những khó khăn này và tận dụng tối đa những ích lợi của Hiệp định?

Để trả lời câu hỏi trên, nghiên cứu sẽ đào sâu vào tác động của AHKFTA lên ngành thủy sản Việt Nam, qua đó, đề xuất một số giải pháp khả thi cho sự phát triển của ngành trong bối cảnh mới.

Những bạn độc giả hứng thú với lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là với thị trường Hồng Kông đừng bỏ lỡ nghiên cứu đầy tính mới mẻ thực tiễn của nhóm. Ban Biên tập xin phép gửi tóm tắt bài viết, link đầy đủ nội dung bài viết để Quý bạn đọc có thể tham khảo thêm!

Tóm tắt 

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu trong thời kỳ đại dịch COVID và xung đột kinh tế đang diễn ra giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, các hiệp định thương mại tự do có ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy hiệu quả sản xuất của các doanh nghiệp và đạt được lợi thế cạnh tranh về giá trên thị trường. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi COVID-19, năm 2019, Việt Nam đã thực hiện một hiệp định thương mại tự do với Hồng Kông có tên là “Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Hồng Kông”. Về lĩnh vực xuất khẩu sang Hồng Kông vào thời điểm đó, đây là một lợi thế cho các doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh những lợi ích đầy hứa hẹn, AHKFTA cũng gây ra nhiều trở ngại đối với các doanh nghiệp và công ty. Bài viết này sẽ xem xét thực trạng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hồng Kông trong những năm vừa qua cũng như đề cập đến những cơ hội và thách thức có thể xuất phát từ hiệp định mới với Hồng Kông, và cuối cùng nhóm tác giả sẽ đề xuất một số giải pháp khả thi cho sự phát triển của ngành thủy sản. 

Từ khoá: AHKFTA, Việt Nam, thuỷ hải sản, nhập khẩu, xuất khẩu.

Link bài viết đầy đủ: Link

GIỚI THIỆU BÀI VIẾT TRÊN WORKING PAPER SERIES: CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN QUYẾT ĐỊNH SỬ DỤNG THẺ GHI NỢ QUỐC TẾ VIETCOMBANK CỦA SINH VIÊN TRÊN ĐỊA BÀN HÀ NỘI

0

Ban Biên tập Working Paper Series xin được giới thiệu tới tới Quý bạn đọc bài viết “Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định sử dụng thẻ ghi nợ quốc tế Vietcombank của sinh viên trên địa bàn Hà Nội”, do nhóm sinh viên Lương Mai Hằng, Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phùng Thị Xuân Thủy, Phan Hải Cẩm Tú, Nguyễn Thị Thùy Vân – Sinh viên K58 Kinh tế đối ngoại – Viện Kinh tế và kinh doanh quốc tế Trường Đại học Ngoại thương thực hiện. Bài viết đã được đăng tải trên Website Working Paper Series trong tháng 4/2022.

Thực hiện theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, Việt Nam hiện nay đang là một trong những quốc gia có mức độ hội nhập kinh tế cao, dần khẳng định được vị thế của mình trên trường quốc tế với tinh thần “sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế”. Nhiều lĩnh vực đã có sự tham gia của các đối tác nước ngoài. Một trong những lĩnh vực thể hiện sự tham gia, hội nhập sâu rộng của Việt Nam đó chính là lĩnh vực thanh toán quốc tế, cụ thể là thanh toán qua thẻ quốc tế. Sinh viên là một đối tượng, một khách hàng mới của dịch vụ này. Nhu cầu giao dịch quốc tế tăng cao, đi kèm với những tiện ích về bảo mật và chi phí, cộng với tình hình đại dịch Covid -19 diễn biến càng ngày càng phức tạp đã thu hút sự chú ý của sinh viên đối với phương thức thanh toán qua thẻ ghi nợ quốc tế.

Tuy nhiên, đâu mới là những nhân tố quyết định ảnh hưởng tới lựa chọn đăng ký thẻ quốc tế, cụ thể là thẻ ghi nợ quốc tế của sinh viên? Đâu là chiến lược phù hợp để các ngân hàng thu hút nhóm đối tượng tiềm năng này?

Câu trả lời sẽ được thể hiện phần nào trong nội dung nghiên cứu của bài viết. Ban Biên tập xin phép gửi tóm tắt bài viết, link đầy đủ nội dung bài viết để Quý bạn đọc có thể tham khảo thêm!

Tóm tắt 

Ngày nay, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Sinh viên được đánh giá là một trong những tệp khách hàng lớn trong việc cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt của các ngân hàng. Vì vậy, bài viết này sẽ tập trung nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định sử dụng thẻ ghi nợ quốc tế Vietcombank của sinh viên các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội. Kết quả nghiên cứu cho thấy, quyết định sử dụng thẻ ghi nợ quốc tế Vietcombank của sinh viên các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội chịu ảnh hưởng bởi 5 nhân tố là cảm nhận sự hữu ích, cảm nhận sự dễ sử dụng, cảm nhận sự tin tưởng vào mức độ bảo mật, cảm nhận về chi phí và cảm nhận rủi ro. Từ kết quả này, nhóm tác giả đưa ra một số đề xuất giúp ngân hàng Vietcombank có thể thu hút nhiều khách hàng sinh viên mở thẻ ghi nợ quốc tế hơn. 

Từ khóa: Ý định mở thẻ, sinh viên, thẻ ghi nợ, quốc tế, Vietcombank.

Link đầy đủ bài viết: Link

 

Thông báo v/v triển khai thực hiện FTU Working Paper Series

0

Nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên trường Đại học Ngoại thương, Nhà trường khuyến khích sinh viên viết bài và gửi đăng trên FTU Working Paper Series (FWPS) của Nhà trường.

Các thông tin chi tiết xem tại đây

Giới thiệu

0

Nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của người học, Trường Đại học Ngoại thương triển khai thực hiện FTU Working Paper Series (FWPS). FWPS là nơi công bố các công trình nghiên cứu do sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh của Nhà trường thực hiện. Các bài viết là các nghiên cứu bước đầu trong các lĩnh vực có liên quan đến chương trình đào tạo của Nhà trường gồm kinh tế, kinh doanh, quản trị, tài chính, ngân hàng, luật, ngôn ngữ và các lĩnh vực liên ngành khác.

Việc gửi bài viết, công trình nghiên cứu đăng tải trên FWPS sẽ tạo điều kiện cho sinh viên, học viên của Trường Đại học Ngoại thương có cơ hội rèn luyện nâng cao viết và công bố các bài báo khoa học. Các bài viết được công bố tại FWPS cũng là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích phục vụ hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học của sinh viên trong và ngoài trường. Đồng thời, FWPS còn là nơi khuyến khích trao đổi, chia sẻ thông tin, kết nối học thuật, đồng hành nghiên cứu nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, hướng tới chuyển giao tri thức cho cộng đồng xã hội của người học. Ban Biên tập FWPS rất mong nhận được các bài viết, công trình nghiên cứu của các bạn sinh viên, học viên cũng như những ý kiến góp ý, chia sẻ về các bài viết để có thể tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng các bài viết.    

Các bài viết được cập nhật liên tục trên website của FWPS tại địa chỉ: fwps.ftu.edu.vn. Các bài viết được công nhận là một công trình nghiên cứu khoa học của Nhà trường. 

Mọi thông tin xin liên hệ

Phòng Quản lý khoa học

Phòng 907, Tầng 9, nhà A, Trường Đại học Ngoại thương

Số 91, Phố Chùa Láng, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội

ĐT: (84-4) 32595158, ext: 231 / 236 / 238

Email: qlkh@ftu.edu.vn